Hệ thống thư viện Sách điện tử

THCS Thanh Liệt

  • Giới thiệu sách tháng 04 - Ngày 08 tháng 4 năm 2024

    Ngày tạo: 09:36, 07/05/2024
    5Chia sẻ

    TRƯỜNG THCS THANH LIỆT

      THƯ VIỆN

    BÀI GIỚI THIỆU SÁCH

     

    Thời gian:  Ngày 08 tháng 04 năm 2023

    Địa điểm:    Nhà Đa Năng và ở các lớp

    Chủ đề:       “Ngày sách Việt Nam”

    Tên sách:  Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ –  Nguyễn Nhật Ánh - Nxb: Trẻ

    Mã Sách:    TTN 552

    Người thực hiện: Nguyễn Minh Ngọc - Nguyễn Tuấn Kiệt  lớp 8A1

    Số người tham dự: ........        

     

    Cho tôi xin một vé đi  tuổi thơ!

     

    Ở một nơi nào đấy xa xôi

    Có thành phố,

     ngày xưa,

    có thành phố

    Nơi rất ấm, tuổi thơ ta ở đó

    Từ rất lâu,

    đã từ lâu

     trôi qua…

    Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà,

    Đến ga

     xếp hàng mua vé:

    Lần đầu tiên trong nghìn năm,

    Có lẽ,

    Cho tôi xin một vé

    đi Tuổi Thơ.

    Ai mà không có tuổi thơ! Ai mà không có những kỷ niệm về một thời thơ dại! Tuổi thơ nhắc lại như trong truyện cổ tích hay như câu chuyện về những cô bé, cậu bé ngày xưa. Đó là những ngày tháng đuổi bướm hái hoa, những trưa hè trốn ngủ đi chơi, những buổi chiều tắm sông mát rượi. Tuổi thơ của bạn có thể là những cánh diều vi vu, tiếng sáo bay cao vút tận mây xanh. Hay có thể là những trò nghịch ngợm cùng lũ trẻ hàng xóm: ném lon, trốn tìm, bắn bi, là trò trơi đuổi bắt…

    Đã bao giờ bạn vạch ra một hành trình tìm về với tuổi thơ. Và đã khi nào bạn có ý định cầm trên tay chiếc vé của chuyến tàu đặc biệt, chuyến tàu tuổi thơ.

    Hôm nay, em xin dành tặng các thầy cô và các em tấm vé trở về tuổi thơ từ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua tập truyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.

    “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là cuốn sách bán chạy nhất Việt Nam năm 2008. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” không chỉ là cuốn sách bán chạy nhất mà còn được bạn đọc báo người lao động bầu chọn là cuốn sách hay nhất năm. Cuốn sách được trao giải  Vàng sách hay của Hội nhà văn Việt Nam năm 2009. Đến tháng 02 năm 2012 cuốn sách đã tái bản đến lần thứ 17 với số lượng kỉ lục 100.000 bản in.

    Trên tay tôi là cuốn sách mà hình ảnh của nó đã trở nên quen thuộc với biết bao độc giả. Sách được in khổ 12x20cm với 218 trang. Bìa sách là một khoảng vàng tươi của kỷ niệm. Trên đó, dòng chữ tên truyện được in màu xanh lam. Bên dưới là chân dung một chú bé với đôi mắt sáng ngời, tinh nghịch hứa hẹn những câu chuyện thú vị. Chú bé ấy phải chăng chính là bạn, là tôi hay là những ai đã, đang và sẽ trở về tuổi thơ qua những trang truyện để rồi suy ngẫm về những gì trải qua trong cuộc đời.

    Điều gì đã khiến một cuốn sách nhỏ được yêu thích và giành dược nhiều giải thưởng đến như vậy? Xin mời bạn đọc hãy cùng khám phá 12 chương của cuốn sách, với các chương truyện: Tóm lại đã hết một ngày, bố mẹ tuyệt vời, buồn ơi là sầu, tôi ngoan trong bao lâu, cuối cùng là chuyến tàu không có người soát vé. Những cái tên như từng cánh cửa dẫn bạn về với thế giới của tuổi thơ.

    Những trò tinh nghịch, những suy nghĩ ngộ nghĩnh của trẻ thơ vốn đã rất quen thuộc với chúng ta nhưng đến với những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh bạn đọc sẽ còn khám phá nhiều điều bất ngờ, lý thú.

    Một câu chuyện hứa hẹn nhiều niềm vui như thế nhưng bắt đầu bằng nỗi buồn không tìm được lời giải đáp của chú bé lên tám tuổi: “Một ngày tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt… Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi mỗi ngày. Vẫn màn đêm đó buông xuống mỗi đêm. Trên mái nhà, trên các cành lá sau vườn gió vẫn than thở giọng của gió. Chim vẫn hót giọng của chim. Dế di di giọng dế, gà quang quác giọng gà. Nói tóm lại cuộc sống thật là cũ kỹ”

    Đó là đoạn trích trong chương đầu của tác phẩm có tiêu đề “Tóm lại đã hết một ngày”. Và nỗi băn khoăn của cu Mùi cũng chính là khởi đầu cho mọi câu chuyện trong cuốn sách.

    Một ngày của cu Mùi, nhân vật chính là phải cố hết sức để thức dậy trong khi vẫn còn muốn ngủ tiếp, và việc vệ sinh buổi sáng trước khi bị ấn vào bàn ăn để uể oải nhai chóp chép một thứ gì đó thường là không hợp khẩu vị, là  việc truy lùng sách vở để nhét vào cặp, rồi chạy tới trường, là bị ba mẹ cột chặt vào giấc ngủ trưa, là việc thỉnh thoảng được phép chạy ra trước cửa chơi nhưng dưới ánh mắt giám sát của mẹ từ một ô cửa bí mật nào đó mãi mãi không khám phá ra được cuối cùng là học bài cho đến khi gục vào buổi tối. Không chỉ đối với Hải cò con Tủn và con tý sún ngày nào cũng trôi qua như thế. Người lớn đặt sẵn lịch trình cho những đứa trẻ với suy nghĩ mang lại những gì tốt đẹp nhất cho các em. Nhưng lũ trẻ không nghĩ thế. Chúng cần một thế giới mới mẻ của riêng mình. Chúng thay đổi thế giới một cách sáng tạo? Mời bạn đọc tiếp tục khám phá những trang văn dí dỏm đậm chất trí tuệ của Nguyễn Nhật Ánh.

    Chương II của tác phẩm: “Bố mẹ tuyệt vời”, với bảo bối sẵn có của trẻ thơ là trí tưởng tượng, các em chơi trò “bố mẹ, con cái” nhưng nội dung của xã hội bé bỏng đó lại không sao chép cuộc sống của người lớn mà hoàn toàn lật ngược, đảo tung hết cả trật tự quen thuộc.

    “Cu mùi cưới con Tí sún  chừng năm phút thì lập tức đẻ liền hai đứa con: thằng Hải cò và con Tủn”

    Cu Mùi: Hải cò đâu?

    Hải cò: Dạ, ba gọi con.

    Cu Mùi: Rót cho ba miếng nước.

    Hải cò: Con đang học bài.

    Cu Mùi: Giờ này mà học bài ah? Đồ lêu lổng!

    Hải cò: Học bài là lêu lổng?

    Cu Mùi: Chứ còn gì nữa! Không học bài, làm bài gì hết. Con ngoan là phải biết chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn!

    Hải cò: Vâng, vậy con đi đánh lộn đây.

    Cu Mùi: Tủn!

    Con Tủn: Dạ! Rót nước hả ba?

    Cu Mùi: Mày đừng làm ra vẻ ta đây thong minh. Tao hết khát rồi.

    Tao là tao chúa ghét mầy đứa con nít thông minh, tức là học bài nhoáng một cái đã thuộc vanh vách! Hừm làm như hay lắm!

    Con Tủn: Dạ, con không thông minh, con là đứa ngu đần.

    Cu Mùi: Vậy con mới đúng là con ngoan của ba. Đây! Ba thưởng cho con. (Cu Mùi đưa cho con Tủn cây kẹo trong túi áo)

    Hải cò: Ba, con vừa đi đánh lộn về. Con uýnh một lúc 10 đưa luôn đó ba!

    Cu Mùi: Con thiệt là ngoan. Thế quần áo của con…

    Hải cò : Vẫn không sao ba à.

    Cu Mùi : Đánh nhau mà không rách áo, trầy chân, bầm mặt mà cũng gọi là đánh nhau hả ?

    Hải cò : Dạ…dạ…ủa…

    Cu Mùi : Dạ dạ ủa ủa cái gì ! Con thật là đứa hư hỏng ! con làm ba xấu hổ đến chết mất thôi !

    Tí Sún : Ông à, con nó biết giữ như thế là tốt rồi.

    Cu Mùi : Bà thì biết cái gì ! Đánh nhau chứ có phải đi dự tiệc đâu ! Đánh nhau mà quần áo sạch sẽ thế kia thì nhục cho tổ tiên không cơ chứ !

    Ôi chẳng thà nó chém tôi một dao cho rồi ! Con ơi là con !Mày ra đây mà giết ba mày đi con.

    Trong cuốn sách còn rất nhiều những chương chuyện như : Đặt tên cho thế giới, tôi là thằng cu Mùi, trang trại chó hoang,  với rất nhiều tình huống hài hước cho lũ trẻ. Vì sao cái bàn ủi nhà con Tủn trở nên hung giữ ? Và lũ trẻ trở thành lũ giết người như thế nào ? Mời bạn đọc tiếp tục cuộc hành trình để khám phá những bí mật đến từ bốn đứa trẻ.

    Cái sân ga tám tuổi của nhân vật tôi như là một điểm tựa ký ức để tác giả thả vào đó những triết lý, những suy ngẫm, những trăn trở về cuộc đời. « Thực tế sống trên đời ai mà chẳng có khuyết điểm : Trong khi trẻ con cố che khuyết điểm của mình trong mắt người lớn thì người lớn cũng tìm mọi cách dấu khuyết điểm của mình trong mắt trẻ con. Nhưng trẻ con làm điều đó tốt hơn và khéo léo hơn đơn giản là trẻ con sợ bị phạt. Người lớn che giấu khuyết điểm kém hơn, không  phải vì vụng về hơn, mà do cái ý nghĩ tai hại rằng Phạm khuyết điểm là đặc quyền của người lớn. »

    Xen kẽ những kỷ niệm sáng bừng đẹp đẽ của lũ trẻ với những đối thoại ngây thơ nhưng lại khiến người lớn cảm thấy đâu đó một nỗi bâng khuâng, một nỗi buồn không nói thành lời.

    « Mẹ mình đã năm lần đánh mất chìa khóa xe, mười hai lần đánh mất chìa khóa tủ mà chẳng ai nói gì.

    Con Tý sún thút thít :

    - Ba mình hứa với mình là sẽ bỏ rượu. Nhưng ba mình có giữ lời đâu »

     Chúng lập một phiên tòa xét xử người lớn, và trong trò chơi của chúng, những ông bố bà mẹ đều biết nhận lỗi : Đó là nội dung của chương truyện « Có ai biết bây giờ là mấy giờ không ? »

    « Hải cò nện lọ mực xuống bàn đánh cốp mặt khó khăn đăm đăm :

    - Ba đi đâu mà giờ này mới về ? ba có biết bây giờ là mấy giờ rồi không ?

    Cu Mùi gục đầu xuống lý nhí.

    - Ờ ba gặp mấy người bạn, vui miệng làm mấy ly

    Hải cò nói, mắt ngân ngấn nước nươc :

    - Chớ sao ba còn say rượu nữa, rủi có mệnh hệ gì vợ con bỏ cho ai nuôi ?

    Cu Mùi gục đầu xuống :

    - Ba biết lỗi rồi.

    Con Tủn đột nhiên nức nở : Mẹ không bao giờ tôn trọng con hết

    - Nín đi con, mẹ luôn thương con mà

    - Con nói mẹ không tôn trọng con chứ không nói mẹ không  thương con.

     Con Tủn ấm ức dằn từng tiếng :

    - Thương là khác, tôn trọng là khác

    - Hôm trước đi mua áo mẹ hỏi con thích chiếc áo màu xanh hay chiếc áo màu vàng. Con nói con thích áo màu vàng. Tưởng sao, mẹ nói : Thôi mua áo màu xanh đi con. Mặc màu xanh cho mát. »

    Phiên tòa đặc biệt ấy vẫn chưa kết thúc, còn rất nhiều điều  xin dành để bạn đọc khám phá.

    « Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ » thực sự là cuốn truyện hữu ích cho cả người lớn và trẻ em. Với trẻ em, cuốn sách hẳn đem lại cho các em niềm vui thích bằng cách kể chuyện duyên dáng gieuà tưởng tượng, nhưng hư cấu kỳ ảo, và đối thoại thông minh. Các em nhìn thấy mình trong sách, thấy được thấu hiểu và trân trọng. Với người lớn, đọc truyện « Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay là nói khác đi lúc mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sé giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ ». Đặc biệt là những người trong lĩnh vực giáo dục, đọc truyện để rồi có một phương cách tiếp cận trẻ em từ một vị thế khác – vị thế của một người bạn, nhằm có thế xóa đi được những ranh giới giữa trẻ con và người lớn.

    Trong chương cuối của cuốn sách : « Và chuyến tàu không có người soát vé ». Một lần nữa tác giả nói về ý tưởng xây dựng cuốn sách. Tên sách : « Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ » như một nỗi khát khao, một niềm khắc khoải. Và tôi nhận ra hình như tôi đã có một hiểu lầm về tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, tôi đã tưởng như chuyến tàu tuổi thơ  đã đưa những người lớn tìm lại được thế giới tuổi thơ của mình, nhưng đến cuối tác phẩm, qua những câu thơ, tôi bỗng nhận ra một ý nghĩa khác :

    « Ôi thành phố tuổi thơ-

    bài ca ngày nhỏ

    chúng tôi hát-

    Xin cảm ơn điều đó

    Nhưng chúng tôi không trở lại,

    Dừng chờ

    Trái đất nhiều đường.

    Chúng tôi lớn,

    Di xa…

    Hãy tin !

    Và thứ lỗi »

    Kết thúc tác phẩm tác giả không trở lại thành phố tuổi thơ của mình. Vì sao vậy ? Chương cuối cuốn sách đã khép lại hành trình tuổi thơ của tác giả, nhưng cũng khởi đầu cho hành trình trở về tuổi thơ của mỗi người. Vậy ngay từ bây giờ các thầy cô và các em có thể tìm đến cuốn sách để bắt đầu cuộc hành trình của riêng mình. Bạn có thể tìm đọc cuốn sách tại các hiệu sách và tại thư viện nhà trường.

    Thưa các thầy cô và các bạn học sinh, có thể nói văn chương Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng văn hóa độc đáo ở Việt Nam : Từ người lớn đến trẻ em ai ai cũng thích truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Mỗi cuốn sách của ông đều đưa người đọc đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau, khi làm ta bật cười, lúc lại khiến ta rưng rưng hoặc ngồi lặng đi và suy ngẫm. Nhưng trên tất cả là tình người cao quý vượt lên bao khó khăn, vất vả, bao gai góc của cuộc đời để cùng ngân vang mãi trong lòng người đọc.

     

     

     

    XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU

    PHÓ HIỆU TRUỞNG

     

     

     

     

     

    Trần Thị Thanh Tình

     


  • Về trang trước

  • Tin tức cùng chuyên mục

Trường THCS Thanh Liệt

Địa chỉ: Đang cập nhật dữ liệu... Website: thcsthanhliethn.thuvien.edu.vn  QR Code
Đang nghe bạn nói...