Hệ thống thư viện Sách điện tử

THCS Thanh Liệt

  • Giới thiệu sách tháng 2 - Ngày 05 tháng 2 năm 2024

    Ngày tạo: 09:27, 07/05/2024
    5Chia sẻ

    TRƯỜNG THCS THANH LIỆT

      THƯ VIỆN

    BÀI GIỚI THIỆU SÁCH

    Thời gian:  Ngày 05 tháng 02 năm 2023

    Địa điểm:    Dưới cờ 

    Chủ đề:       “Vươn tới tương lai”

    Tên sách:    “Viết lên hy vọng”

    Mã Sách:   

    Người thực hiện: Học sinh Lớp 7A3

    Số người tham dự:        [1960]

    Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh, hôm nay chúng em xin giới thiệu tới các thầy cô và các bạn học sinh cuốn sách “Viết lên hy vọng”

    Cuốn sách như là một người thầy, người cô vậy. Nó ươm mầm cho bao thế hệ, mang đến những hành trang tri thức cần có giúp con người xây dựng một thế giới ngày càng lớn mạnh và phát triển . Nhận thức được tầm quan trọng to lớn của việc đọc sách, ngày hôm nay, lớp 7A3 chúng em tham gia cuộc thi giới thiệu sách nhằm lan tỏa thông điệp “Một cuốn sách hay cho ta một người bạn tốt. Một người bạn tốt cho ta một điều hay”. Cuốn sách chúng em lựa chọn và cũng là cuốn sách mà chúng em thấy tâm đắc nhất đó chính là quyển “Viết lên hy vọng” – cuốn nhật ký làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ.

                Cuốn sách “Viết lên hy vọng” được viết bởi ngòi bút của nhà văn Erin Gruwell và những nhà văn tự do khác, xuất bản vào năm 2017. Sách gồm 460 trang, dày 21cm. Nhan đề của cuốn sách “Viết lên hy vọng” thể hiện cho những khát vọng, những ước mơ của lứa tuổi học trò - những điều mà các em nhỏ của lớp cô Erin Gruwell viết lên trong những cuốn nhật kí bé nhỏ của chúng. Những hoài bão, những tâm tư, tình cảm, cảm xúc của những đứa trẻ đều được hóa thành những dòng chữ trong cuốn nhật kí. Nhờ đó, cô giáo Erin Gruwell và những học sinh của mình có thể thấu hiểu và gần gũi với nhau hơn. Những lời văn giàu tình cảm, nhẹ nhàng, lưu loát và giàu giá trị nghệ thuật đã khiến cho cuốn sách từ những dòng nhật kí bình thường mà các em học sinh viết ra nay đã trở thành một tác phẩm kiệt tác, sống động và quyến rũ, có sức lan tỏa làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ.

    Vào năm 1994, cô Erin Gruwell – một giáo viên Ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy ý tưởng – về dạy học tại trường Wilson , Long Beach , Carlifornia. Như bao người thầy, cô giáo khác, cô phải đương đầu trước những học sinh cá biệt, nghịch ngợm. Ban đầu, cả lớp cùng nhau chống đối cô bằng cách luôn quậy phá, không làm theo lời cô. Với lòng yêu nghề, cô không hề đầu hàng mà quyết tâm rằng mình sẽ chiến thắng được những nghịch cảnh tồi tệ tại lớp học của cô, đưa những học sinh cá biệt của lớp được có cơ hội học tâp bình đẳng như mọi đứa trẻ khác trong lớp, không bị phân biệt đối xử. Một ngày, cô vô tình phát hiện ra rằng những học sinh của mình không hề biết tới cuộc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức và các nước cùng phe trong Thế chiến hai, nhưng dường như chính các em đang là những nạn  nhân của những cuộc chiến khác. Tuy nó không được trực tiếp công bố nhưng đó cũng là một cuộc chiến không kém phần đau thương và thống khổ. Đó chính là cuộc chiến về phân biệt đối xử.

    Vì thế, để giúp những học sinh của mình có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, cô đã giới thiệu cho cả lớp hai cuốn nhật kí nổi tiếng thể giới. Đó chính là hai cuốn nhật kí của Anne Frank – cô bé nạn nhân của cuộc tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai và Zlata Filipovic – một người thiếu nữ viết về cuộc đời của mình trong một cuộc chiến khốc liệt ở Sarajevo. Cả hai đều có nét tương đồng là kể về những sự khốc liệt , đáng sợ và nguy hiểm của những cuộc chiến. Từ những nét tương đồng giữa Anne và Zlata với các học sinh của mình mà người cô giáo trẻ đã truyền cảm hứng cho các em có thể bắt đầu viết nhật kí về một cuộc sống đầy rẫy bạo lực, vô gia cư, phân biệt chủng tộc, bị lạm dụng, tệ nạn,…của các em. Và từ những dòng nhật kí đó, Erin Gruwell dần thấu hiểu được hoàn cảnh riêng của từng bạn, cô đã tìm mọi cách giúp các em lấy lại được tự tin vào chính bản thân của mình, niềm tin rằng các em cũng có thể trở thành những người tốt góp ích cho xã hội, rằng các em không những có thể thay đổi tương lai của chính bản thân mình mà các em còn có khả năng thay đổi thế giới – một thế giới bình đẳng, yêu thương hơn.

    “Hôm nay, trong lớp học của cô Gruwell, mình đã nhận ra rằng dù vỏ có khác nhau thì hạt đậu vẫn chỉ là hạt đậu. Có loại ngon hơn, có loại tươi hơn, nhưng suy cho cùng, chúng đều là hạt đậu. Phương châm của cô Gruwell “Đừng đánh giá hạt đậu qua vỏ ngoài của nó, hãy đánh giá bằng lớp bên trong nó” thực sự rất có ý nghĩa đối với mình. Chỉ cần vẫn còn là con người, mình không cần phải lo lắng về điều người khác nói. Vì suy cho cùng, tất cả mọi người đều như nhau!” (Trích Nhật kí 17). “Đừng sợ bạn là cái gì vì tất cả những gì bạn có thể chỉ là chính bạn! Bạn không thể là cái gì khác ngoài bạn, vì thế hãy là bạn khi tốt nhất, bạn hoàn toàn có thể”. (Trích Nhật kí 88) Đó là những dòng cảm nhận của các em qua những trang nhật ký. Nội dung sách chỉ đơn thuần là những trang nhật ký của những bạn học sinh, thoạt nhìn có vẻ chẳng có gì đặc biêt. Nhưng những dòng nhật ký ấy đã ghi lại một cách chân thực cuộc sống, suy nghĩ, tâm tư của các bạn trẻ ấy, những người đang phải đối mặt với biết bao vấn đề cản bước mình. Bằng việc viết ra những tâm sự, các bạn đã trải lòng, đã thấu hiểu chính mình hơn, từ đó giúp Erin Gruwell thắt chặt mối dây liên hệ giữa cô và học trò. Một trong những điều quan trong nhất của một nền giáo dục không phải là nối liền mọi khoảng cách giữa học sinh và giáo viên hay sao? Đó chính là điều mà “Viết lên hy vọng” đã làm được.

    Bằng nhiều hoạt động ý nghĩa như đi thăm bảo tàng về cuộc thảm sát người Do Thái, đi xem phim, xin tài trợ để các em có dịp đến thăm thủ đô Washington, thành phố New York…, Erin Gruwell đã khiến ban đầu là cả trường, sau đó là giới truyền thông và cả nước Mỹ phải kinh ngạc vì những gì cô và các học sinh của mình đã làm được. Những nỗ lực của cô cũng được đền đáp khi cuốn sách “Viết lên hy vọng” tập hợp chính những trang nhật ký của cô và các em được xuất bản và làm rung chuyển cả nền giáo dục Mỹ lúc đó. Từ lần đầu tiên xuất bản (1999) cho tới nay, cuốn sách liên tục được tái bản và là cuốn sách bán chạy trên New York Times.

    Với nghệ thuật miêu tả, cách kể truyện sinh động, phong phú và hấp dẫn nhưng không kém phần kịch liệt, thú vị mà cuốn sách đã giúp thay đổi nền giáo dục nước Mĩ. Không còn  xuất hiện những sự kì thị, phân biệt chủng tộc hay kì thị mọi người trong lớp. Ai trong chúng ta đều được quyền đối xử bình đẳng. Nelson Mandela đã từng nói: “Không ai sinh ra căm ghét người khác bởi màu da, xuất thân hay tôn giáo. Con người phải học đề hận thù và nếu họ có thể học được hận thù, họ cũng có thể được dạy biết yêu thương, vì tình yêu thương đến với trái tim con người tự nhiên hơn là thứ tình cảm đối lập với nó”. Cô giáo trẻ đã chứng minh được cho các học sinh cá biệt đó thấy rằng cô đến với các em bằng sự quan tâm thật sự, muốn các em trở thành những con người có ích đối với bản thân mình trước tiên. Và đến nay, những dòng viết hy vọng đó đã và đang trở thành những món quà quý báu cho những ai đang rơi vào tuyệt vọng. Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến được tới trái tim.

           Đây là một cuốn sách đáng để chúng ta tìm mua, đọc và trả nghiệm. “Viết lên hy vọng” đã truyền tải những giá trị tốt đẹp, nhân văn sâu sắc. Cuộc sống như là một bức tranh vậy, nó được tạo nên bởi những màu sắc riêng biệt, khác nhau của từng người, vì thế nên đừng kì thị những điều khác biệt của người khác. Mong sao cuốn sách này cũng sẽ trở thành động lực, trở thành ngọn đuốc soi đường giúp sợi dây liên kết giữa thầy và trò ngày càng bền chặt,thấu hiểu hơn. Và biết đâu, cuốn sách sẽ truyền cảm hứng để thầy trò trên mọi miền nước Việt chúng ta cùng viết nhật ký và tạo nên những điều kỳ diệu như cô Erin Gruwell và các học sinh của mình đã làm được. Hãy ngồi cạnh cửa sổ và mở cuốn sách, trải nghiệm và cảm nhận như một độc giả thực thụ, cuốn sách chắc chắn sẽ khiến mọi người cảm thấy cuộc đời này sẽ thật tươi đẹp biết bao khi ta biết yêu thương và được yêu thương.

     

                                

     

     

    XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU

    PHÓ HIỆU TRUỞNG

     

     

     

     

    Trần Thị Thanh Tình

     

     


  • Về trang trước

  • Tin tức cùng chuyên mục

Trường THCS Thanh Liệt

Địa chỉ: Đang cập nhật dữ liệu... Website: thcsthanhliethn.thuvien.edu.vn  QR Code
Đang nghe bạn nói...